==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

So với một số địa phương khác trong tỉnh, Đông Triều hiện chưa hẳn đã là khu du lịch phát triển, mặc dù đây là vùng đất được đánh giá là có nguồn tài nguyên phong phú để phát triển du lịch. Trong cơ cấu kinh tế của huyện những năm trước đây, du lịch - dịch vụ mới chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với các ngành nghề khác...

Đông Triều Phấn Đấu Trở Thành Một Trong Những Trung Tâm Du Lịch Của Tỉnh - Ảnh 1

Lễ hội chùa Quỳnh Lâm thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia.

Ai cũng biết Đông Triều là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 133 di tích lịch sử văn hoá và danh thắng, với 25 di tích được xếp hạng. Trong đó có nhiều di tích lịch sử văn hoá, địa danh nổi tiếng như: Chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên, chùa Ngoạ Vân, chùa Trung Tiết, chùa Non Đông, đền An Sinh và lăng mộ các vua Trần thuộc quần thể di tích Yên Tử, cùng di tích lịch sử đền An Biên, chùa Bắc Mã, đình và chùa Hổ Lao (gắn với Đệ tứ chiến khu Trần Hưng Đạo), cụm di tích lịch sử văn hoá Yên Đức v.v.. Trong đó, đặc biệt nhất là Đông Triều có khu di tích lịch sử nhà Trần, một quần thể gồm 14 điểm di tích bao gồm hệ thống di tích lăng mộ, đền, chùa và các công trình tôn giáo thời nhà Trần. Và đầu tháng 2-2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử này. Đây cũng là lợi thế rất lớn, cả về điều kiện để bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị văn hoá cho các di tích, cả về điều kiện để phát triển du lịch.

Trong những năm qua, để phát huy những tiềm năng lợi thế về du lịch, từ các nguồn vốn ngân sách, xã hội hoá, Đông Triều đã trùng tu tôn tạo nhiều hạng mục công trình di tích. Tính từ năm 2006 đến nay, Đông Triều đã tập trung đầu tư, trùng tu tôn tạo gần 40 điểm di tích với tổng kinh phí tôn tạo khoảng trên 35.000 tỷ đồng.

Đông Triều Phấn Đấu Trở Thành Một Trong Những Trung Tâm Du Lịch Của Tỉnh - Ảnh 2

Khách du lịch tham gia tour trải nghiệm đánh bắt cá tại làng quê Yên Đức...

Mặt khác, để phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch, huyện Đông Triều đã chú trọng đến việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông dẫn vào các khu di tích, nhiều tuyến đường đã được bê tông hoá như: Tuyến đường vào đền An Sinh và các khu lăng mộ của vua Trần, khu di tích lịch sử đền, chùa Hổ Lao; tuyến đường hành hương từ hồ Trại Lốc vào di tích chùa Ngoạ Vân, chùa Hồ Thiên với nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng v.v. tạo điều kiện cho người dân và du khách thập phương đến với các di tích được dễ dàng hơn. Cùng với hệ thống di tích, hàng năm trên địa bàn huyện Đông Triều có trên 40 lễ hội, hầu như đều được tổ chức tại các điểm di tích ở các xã, thị trấn, như: Lễ hội đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm, đình chùa Hổ Lao... đã thu hút được đông đảo du khách thập phương tham gia.

Bên cạnh du lịch tâm linh, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái đồng quê, du lịch trải nghiệm cũng là những loại hình du lịch trọng tâm mà huyện Đông Triều tập trung phát triển. Ai cũng biết, Đông Triều vốn nổi tiếng với làng nghề gốm sứ gia truyền Đông Thành và Ánh Hồng mang nét đặc trưng riêng là dòng gốm nặng lửa. Với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, sản phẩm gốm sứ Đông Triều đã được cấp biển “Hành trình văn hoá các làng gốm thủ công truyền thống vùng châu thổ sông Hồng”.

Đông Triều Phấn Đấu Trở Thành Một Trong Những Trung Tâm Du Lịch Của Tỉnh - Ảnh 3

Và tham quan những cánh đồng rau.

Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp Đông Triều, hiện nay trên địa bàn huyện Đông Triều có 11 doanh nghiệp và 54 cơ sở sản xuất gốm sứ của các hộ gia đình, tập trung chủ yếu tại các xã nằm dọc trục đường 18A Đức Chính, Yên Thọ, Xuân Sơn, Bình Dương, thị trấn Mạo Khê. Điều đáng nói, thế mạnh của các làng nghề truyền thống này đã được nhiều doanh nghiệp tận dụng, phát triển các dòng gốm sứ mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu và tạo các điểm tham quan cho khách du lịch như: Thành Đồng, Thành Tâm 668, Quang Vinh, Thái Sơn 88, gốm sứ Đông Thành... Đến với các điểm tham quan này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm sứ đã được hoàn thiện, mà còn được tìm hiểu và trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất các sản phẩm gốm theo ý mình. Đây chính là yếu tố hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.

Ngoài các làng nghề truyền thống, Đông Triều còn có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Trên địa bàn huyện có nhiều hồ, đập gắn với vườn đồi trồng cây ăn quả kết hợp với các khu trang trại v.v. tạo thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Trong khoảng hai năm gần đây, loại hình du lịch trải nghiệm làng quê Yên Đức ở Đông Triều đã bước đầu mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, tạo dựng được ấn tượng tốt với khách du lịch.

Với những tiềm năng về du lịch này, những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với Đông Triều ngày một tăng lên. Năm 2009, khách đến Đông Triều dừng chân tham quan du lịch ước khoảng 20 vạn lượt người nhưng đến năm 2012, con số này đã lên tới khoảng từ 70-90 vạn lượt người.

Tuy nhiên có một thực tế hiện nay, bên cạnh những yếu tố thuận lợi để phát triển, du lịch Đông Triều cũng gặp phải không ít khó khăn về nguồn nhân lực làm du lịch. Thực tế, đội ngũ cán bộ, nhân viên lao động trực tiếp ở một số cơ sở kinh doanh du lịch chưa qua đào tạo, còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ. Thêm nữa, hệ thống lưu trú Đông Triều hiện có khoảng trên 80 cơ sở, nhưng chủ yếu là của tư nhân được hình thành tự phát nên năng lực về nghiệp vụ du lịch còn hạn chế, quy mô kinh doanh nhỏ, trang thiết bị mới đạt mức tối thiểu. Vì thế, các cơ sở lưu trú chưa thu hút được khách nghỉ lại qua đêm mà hầu hết chỉ dừng chân tham quan xong lại đi ngay...

Để ngành “công nghiệp không khói” của Đông Triều trở thành một điểm sáng về du lịch của tỉnh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, Đông Triều còn rất nhiều việc phải làm. Phát biểu trong một buổi làm việc với huyện Đông Triều về nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch trên địa bàn huyện, đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Với những tiềm năng sẵn có, Đông Triều có đủ điều kiện để trở thành một trong 4 trung tâm du lịch lớn của tỉnh. Và để đạt được điều đó, trong thời gian tới, huyện Đông Triều cần phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng liên quan xây dựng quy hoạch phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt các sản phẩm du lịch chất lượng cao trên, cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời xây dựng cơ chế quản lý cụ thể các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có trên địa bàn, trong đó đặc biệt làm tốt công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch; có kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch, đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ... cho những người làm du lịch...

Nguồn: baoquangninh.com.vn

 

Xem thêm du lịch Hạ Longchương trình hấp dẫn

Đông Triều Phấn Đấu Trở Thành Một Trong Những Trung Tâm Du Lịch Của Tỉnh

Đông Triều Phấn Đấu Trở Thành Một Trong Những Trung Tâm Du Lịch Của Tỉnh
19 1 20 39 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==