Tại TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm 700 năm ngày mất của Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (1313 - 2013) - vị tướng tài thời trần có nhiều gắn bó, công lao đối với khu vực biên hải cửa suốt năm xưa, trong đó có vùng Cẩm Phả… để rồi như một định mệnh ông đã hóa thần tiếp tục bảo vệ lâu dài cho người dân vùng đông bắc muôn đời sau.
Hiện nay rất nhiều khách thăm quan thập phương về thăm Đền Cửa Ông bằng các phương tiện tự túc hoặc tham gia vào các Chương trình: Hành trình Hạ Long - Đền Cửa Ông để bày tỏ lòng thành kính đối với người vị tướng tài có công với đất nước.
Đền Cửa Ông thuộc địa phận phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đền là nơi thờ phụng Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật nổi tiếng thời nhà Trần. Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, con thứ 3 của Trần Hưng Ðạo. Trần Quốc Tảng có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, ông đã cùng binh sỹ đóng quân đồn trú tại Cửa Suốt (tên cũ của Cửa Ông) bảo vệ tuyến biên giới và lãnh hải Đông Bắc tổ quốc.
Trước khi thờ Trần Quốc Tảng, đền Cửa Ông gọi là Miếu Hoàng tiết chế, thờ Hoàng Cần, người địa phương có nhiều công đánh phá giặc cướp, được các triều vua phong "Khâm sai Đông Đạo Tiết chế”.
Sau khi Trần Quốc Tảng mất (năm 1313) nhân dân địa phương truyền lại thấy ông hiển thánh tại khu Vườn Nhãn (phường Cửa Ông ngày nay) nên đã lập biểu tâu lên vua Trần Anh Tông, được chấp thuận và chu cấp tiền bạc để lập miếu tế lễ. Khu vực Cửa Ông (xưa gọi là Cửa Suốt) là nơi Trần Quốc Tảng đóng quân đồn trú bảo vệ tuyến biên giới và lãnh hải phía đông bắc Việt Nam, lập nhiều công trong cuộc kháng chiến chống quân nhà Nguyên.
Đền tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 100 mét nhìn xuống vịnh Bái Tử Long ở phía nam, hai bên có hai ngọn đồi nhỏ hộ vệ, phù hợp với quy tắc Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, sau lưng là dãy núi xanh chạy dài qua Cẩm Phả, Mông Dương.
Trong loạt các sự kiện tưởng niệm 700 năm ngày mất Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, có một số hoạt động quan trọng khác diễn ra: Lễ cầu siêu cho anh linh các vị anh hùng dân tộc đã xả thân vì đất nước; hội thảo về thân thế, sự nghiệp Hưng Nhượng Vương và di tích đền Cửa Ông - nơi Trần Quốc Tảng được tôn làm chủ đền cùng các vị phối thờ đã và đang là một điểm trải nghiệm văn hóa tâm linh rất “linh”.
Về thăm Đền Cửa Ông, Lữ khách được nghe chuyện xưa: Vì mối hận riêng với vua Trần nên An Sinh Vương Trần Liễu từng trăng trối với Trần Quốc Tuấn là phải lấy được thiên hạ. Sau Trần Quốc Tuấn đem hỏi gia tướng và các con ý này, mọi người đều can ngăn. Riêng Trần Quốc Tảng lại bảo: “Tống Thái Tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ dấy vận có được thiên hạ”. Trần Quốc Tuấn giận, rút gươm định chém, nhờ Quốc Nghiễn xin tha mới thôi…Trong sử sách có ý kiến cho Trần Quốc Tảng vì thế bị “đày” ra trấn ải vùng Cửa Suốt. Có người bàn là do Trần Hưng Đạo có “lòng thương muốn tránh tai họa cho con và gia quyến, sau lập công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông nên đã nhận được sự tin tưởng trở lại”. Thế nhưng có nhà nghiên cứu cho rằng: Cửa Suốt là khu vực trọng yếu mà lại rất xa, nếu bất trung mà đuổi ra đây thì không xác tín, mà phải rất tin tưởng mới cử ra, lại phải tài, đại tài nữa! Trong hội thảo về thân thế - sự nghiệp Hưng Nhượng Đại Vương vừa qua, nhiều ý kiến đồng tình hướng này với lý do Trần Quốc Tảng từng được phong tước, thưởng rất trọng. Sinh thời, khi định công dẹp giặc Nguyên, ông được phong làm Tiết độ sứ, chức quan võ rất to; con gái trưởng được lập làm phi cho thái tử, sau trở thành hoàng hậu của vua Trần Anh Tông. Sau khi mất, ông được truy tặng làm Thái úy (vương triều Trần chỉ có 5 người được phong chức này). Ông cũng từng được phong Đại tướng - tước vị cao nhất dành cho tôn thất nhà Trần, sau khi ông không quản “tuổi cao, sức yếu” cầm quân dẹp phản loạn… Như vậy cho thấy ông có vị trí đặc biệt trong triều đình nhà Trần từ đời vua Trần Anh Tông trở về sau… Điều này cũng không phải không có lý khi chính sử kể: sau 3 lần chiến thắng quân Nguyên, năm 1330 khi lâm bệnh, Trần Quốc Tuấn mới hỏi gia nô thân tín và các con về việc giành lấy ngai vàng theo lời căn dặn xưa của cha. Thời điểm này, Trần Quốc Tuấn lâm chung nên không có chuyện Trần Quốc Tảng bị đày ra vùng biên viễn.
Đền Cửa Ông gồm hai cụm kiến trúc là Đền Thượng và Đền Hạ. Hưng Nhượng Đại Vương là thần chủ của đền, Hoàng Cần Trung Thiên Long Mẫu và các vị khác được đưa về sau này. Tượng Trần Quốc Tảng được Công ty tuyển than Cửa Ông đúc rất đẹp. Lễ hội đền mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian, truyền thống lịch sử. Đền có hệ thống tượng phong phú, quý hiếm về nghệ thuật điêu khắc, hội tụ khá đầy đủ gia thất Trần Quốc Tảng và các tướng lĩnh tài ba của nhà Trần, niên đại khá sớm và được tạo tác bằng chất liệu quý, đến nay vẫn giữ được nguyên bản.
Được biết, chính quyền thành phố Cẩm Phả sẽ quy hoạch tổng thể khu di tích quốc gia Đền Cửa Ông và mở rộng vùng lõi, vùng đệm với quy mô trên 20 ha. Trong đó quy hoạch chi tiết, hợp lý và khoa học các khu vực thờ tự, khu vực tượng đài, các khu chức năng theo đúng nghi thức thờ tự truyền thống, cốt cách thờ tự của dòng họ Trần. Cụm di tích này không chỉ có giá trị với Quảng Ninh mà phải gắn với quần thể di tích triều đại nhà Trần về văn hóa, tôn giáo để phát huy giá trị trong khu vực./.