Tại đây các bạn sẽ được thưởng thức các món ngon đậm đà hương vị của biển. Phần 2 của bài viết những món ăn ngon tại Hạ Long, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn các món ăn hấp dẫn của ẩm thực Hạ Long: cá Ba Gai, bún xào ngán, bề bề rang muối, sò huyết, sam Hạ Long và sái sùng rang.
Cá Ba Gai
Người nội trợ Hạ Long phân biệt có hai loại cá ba gai: cá ba gai thịt vàng và cá ba gai thịt trắng. Cá ba gai thịt vàng, ngon hơn, phân biệt với cá ba gai thịt trắng, kém ngon hơn bởi màu sắc phía bên ngoài của nó: cá thịt vàng thì da phớt trắng có ánh vàng, còn cá thịt trắng thì da hơi sẫm màu và không có ánh vàng.
Đây là loài cá da trơn, nhiều nhớt và tanh. Vì thế phải cạo rửa thật sạch nhớt, thật sạch mang, để ráo. Khi mổ không nên rửa lại.Cá Ba gai ăn rất ngon, thịt rất thơm.
Và khâu tẩm ướp để om chỉ riêng cá ba gai hay nấu với chuối xanh thì vô cùng đặc biệt. Gia vị để tẩm ướp gồm có riềng, mẻ, nghệ, mắm tôm, một chút ớt bột hoặc hạt tiêu, chút bột canh, chút mì chính. Ướp sao cho khi ăn thấy món cá hơi có vị chua thanh của mẻ, hơi cay, dậy mùi riềng, hơi vàng của nghệ, thoảng mùi mắm tôm và vị vừa ăn. Ướp đủ gia vị, để ngấm chừng từ 20 phút đến nửa tiếng, sau đó đặt nồi cá lên bếp đun nhỏ lửa, âm ỉ, trở các miếng cá qua lại trong khi sôi lăn tăn cho ngấm đều gia vị. Nếu thấy nồi cá bị khô thì chế thêm chút nước sôi vào, nếu đủ nước thì không nhất thiết phải chế thêm nước; sao cho khi ăn thứ bột sền sệt dính vào miếng cá không quá ướt là được. Gia vị rắc cuối cùng vào nồi cá là hành hoa thái nhỏ. Nếu nấu lẫn với chuối xanh, việc ướp gia vị cũng tương tự như trên. Chỉ có điều khác, sau khi ướp, để ngấm, thì nhặt chuối xanh ra để riêng, rồi cho cá vào đun cách thức như trên, khi cá chín độ khoảng 70% mới đổ chuối xanh vào khẽ đảo đều, đun cho tới chín, rắc gia vị, bắc ra. Nước chế vào nồi cá nấu chuối chỉ độ xăm xắp, không nên nhiều hơn.
Có lẽ hầu hết mọi người đều cho rằng giống cá biển da trơn và tanh này chỉ om riềng mẻ mắm tôm là hay nhất. Vậy mà nó còn dùng để kho; kho xong rồi phơi khô. Đây cũng là các món ăn ngon chế từ thứ cá này. Chúng tôi sẽ có dịp trình bày trong một dịp khác. Chỉ kể thêm ở đây một món canh cá ba gai chế biến ngược lại với món om trên: Cá không hề có mùi tanh và nấu nhiều nước để chan bún.
Cá ba gai làm sạch, sau đó tẩy mùi tanh bằng nước gừng pha với rượu trắng. Tẩy kỹ, rồi xả nước để ráo. Chế biến bình thường như các lại cá nấu canh khác. Có thể chỉ nấu riêng cá, có thể nấu lẫn với dọc mùng, hoặc với chuối xanh, hoặc nấu chín cá trước khi bắc ra cho giá đỗ vào. Nêm hành hoa và tía tô. Nước chế đủ dùng để chan bún. Ăn thật nóng.
Bún xào ngán
Bún xào ngán là một món mới xuất hiện trong các nhà hàng tại Tp hành trình Hạ Long nhưng trước đó món ăn này khá phổ biến ở vùng ven sông Chanh, vùng thị trấn Quảng Yên của huyện Yên Hưng tỉnh nhà.Thoạt trông, món bún ngán xào nhìn không được bắt mắt, bởi bún trắng trộn với ngán đen, lại có thêm mộc nhĩ, nấm hương và hành lá cũng đều là thứ xanh, đen cả.
Hơn nữa, nếu chưa quen ăn ngán thì khó thích món này vì nó nồng, một mùi vị nồng rất đặc trưng của ngán. Nhưng khi đã yêu thích bún ngán xào nó có thể gây nghiện và mới vỡ lẽ ra rằng đĩa thức ăn trông không được bắt mắt kia lại làm cho ta nhận ra được ngay thứ mà ta yêu thích, bởi nó tạo ra một khoảng riêng trên mâm tiệc, không lẫn với bất cứ món ăn nào.
Bún dùng kéo cắt ngắn độ 5cm, gỡ tơi, để sẵn trong một cái đĩa to sâu lòng hay trong cái chảo, cái xoong cũng được. Ngán dùng dao bổ tách vỏ, hứng lấy nước trong mình ngán vào bát to, gạt thịt ngán luôn vào đó. Tuỳ vào lượng ngán mà cần nhiều bún hay ít. Thường thì nửa cân bún cần khoảng 3 lạng ngán, nhiều thì tới 5 lạng. Thịt ngán lấy đủ vào bát, dùng tay mân mê, đẩy sạch bùn cặn vớt ra cho lên thớt, thái nhỏ. Nước ngán trong bát để lắng cặn, gạn sang một cái bát khác, để riêng. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm rửa sạch, thái chỉ, nhỏ. Hành hoa cắt khúc dài khoảng một đốt ngón tay… Sau đó đổ thịt ngán vào bún, cho vừa bột canh, mỳ chính, trộn đều. Bắc chảo lên bếp, để dầu hoặc mỡ nóng già, cho hành hoa vào phi thơm thì đổ bún ngán đã trộn vào xào. Ngán, bún chín chừng bảy lẻ đổ tiếp mộc nhĩ, nấm hương vào xào lẫn. Tiếp tục xào cho tới gần chín thì rưới một ít nước mình ngán ở cái bát để riêng kia vào, đảo đều chờ tới khi mọi thứ chín hẳn (thứ nước ở mình ngán có thể cho hoặc không cho vào, nếu người ăn thích hoặc không thích tăng vị thơm nồng của ngán. Cũng giống như khi rửa ngán, người ta không rửa nước lã, phải rửa ngay trong nước ở mình nó, để ngán không bị nhạt, bị tanh, là vậy). Bắc ra rắc hạt tiêu, ăn nóng.
Ngán là một loài động vật nhuyễn thể, vỏ cứng, sống nơi bùn đất, ở biển, họ sò hến, song lại lành. Người ta có thể chế biến chúng thành nhiều món ăn, trong đó có những món ăn mà người đàn bà đẻ có thể ăn được, đó là canh rau ngót nấu ngán và ngán kho.
Nhưng ngán có vị đặc trưng là khá nồng. Không biết có phải nó có vị nồng mà người ta gọi nó là “ngán” không, hay là có cả con ngao nữa, cũng có vị đớt, mà thành “ngao ngán” (!). Dầu vậy, kể cả ngao và nhất là ngán, như ở trên có nhắc, lúc đầu chưa ăn quen, món bún ngán xào nói riêng và các món ăn khác chế biến từ ngán nói chung không dễ ăn, song ăn quen rồi lại thành ra nghiện. Thế mới… chết. Không biết có phải vì thế không mà mỗi lần có dịp về Quảng Yên, “người ta” hay quyến rũ tôi bằng món bún ngán xào, để rồi khi xa cồn cào nỗi nhớ.
Bề Bề Rang Muối
Bề Bề (người miền Nam hay gọi là tôm tít hay bọ ngựa biển) là món hải sản khá đặc trưng tại Cát Bà. Tại đây có nhiều nhà hàng chế biến được món ăn từ bề bề, nhưng tại khách sạn Hướng Dương 1 (đường Núi Ngọc), bề bề được các đầu bếp tài hoa ở đây chế biến theo kiểu riêng biệt đan xen nghệ thuật. Đó là món bề bề rang muối. thơm phức, ai cũng muốn thưởng thức ngay.
Bề bề tại Cát Bà có khá nhiều, đặc trưng của những con bề bề ở đây là to, mẩy và bóng, do đó món ăn từ bề bề bao giờ cũng hấp dẫn. Để có được món ăn độc đáo này, người chế biến phải chọn lựa bề bề cẩn thận và đặc biệt, phải còn sống, để khi chế biến xong, thịt còn nguyên, không dập, vỡ và tạo nên hương thơm đặc trưng.
Là món rang muối nhưng chao dầu (hoặc mỡ) để tạo vị ngậy món ăn này không thể thiếu, do đó khi nhiền thấy đĩa bề bề rang muối, những người lần đầu thưởng thức sẽ cảm nhận như mình đang được ăn món rán. Món ăn này chế biến khá cầu kỳ bao gồm các loại gia vị như: sả, dầu, muối, tiêu… song để cho món ăn này đạt đến độ thơm ngon thì phải có nghệ thuật dùng lửa nên không phải bếp nào cũng có thể rang được bề bề. Khi rang chín, bề bề phải đạt độ thơm, dai và ngậy.
Bề bề rang muối đã ngon, nhưng nếu tìm được những con đang ôm trứng mà rang muối thì càng tuyệt vời. Khi ăn, người phục vụ sẽ giúp bạn cắt vây bên cạnh, chỉ cần đưa chiếc đũa vào dọc sống lưng con bề bề đã cắt vây, lột nhẹ là cả mảng vỏ sẽ bong ra, chỉ còn lại miếng thịt thơm ngon. Món năn này đồ chấm phù hợp nhất là tương ớt. Chấm miếng thịt bề bề vào đĩa tương ớt, đưa lên miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngon, ngọt và cay cay nơi đầu lưỡi, thật thú vị.
Sò huyết Hạ Long
Quảng Ninh không chỉ nổi tiếng với hành trình Hạ Long mà còn nổi tiếng với rất nhiều loại hải sản. Một trong số đó có loài Sò Huyết ở Yên Hưng. Sò Huyết hay còn gọi là Sò Gạo. Chúng sống ở các bãi cát, bãi lầy ở biển.Sò có vỏ cứng ruột màu đỏ hồng như máu ăn rất bổ dưỡng.
Sò sống ở những vùng pha nước mặn và ngọt hay còn gọi là nước lợ là ngon nhất vì Sò sống ở vùng nước này nhanh lớn thịt ngọt, thơm, béo hơn các vùng nước khác có nhiều cách chế biến sò huyết như: Xào Sò với xả ớt, Sò nướng, Sò nấu cháo…
Nhưng để không mất giá trị dinh dưỡng của Sò thì phổ biến nhất là Sò được trần qua nước sôi( nhúng Sò). Để có được Sò trần ngon sạch trước tiên ta lấy bàn chải đánh sạch đất bên ngoài, sau đó cho Sò vào ngâm với nước ớt để Sò há miệng cho hết đất bám bên trong.
Công đoạn trần Sò rất quan trọng thể hiện sự khéo léo và kinh nghiệm trong bước này, nếu Sò trần hay nhúng nước sôi quá lâu thì Sò sẽ há miệng ăn không ngon mất giá trị dinh dưỡng và thẩm mỹ. để trần Sò được ngon ta cho xả đập dập vào nồi, đun nước thật sôi, sau đó cho Sò vào( nước phải ngập hết sò) khi thấy có bọt khí lăn tăn nổi lên là được. Sau khi trần ta vớt Sò ra đĩa luôn. Món này mà uống cùng với bia thì không còn gì để nói.
Sam Hạ Long
Đến Hạ Long bạn đã được thưởng thức chả mực, các món làm từ ngán vậy thì bạn cũng không thể bỏ qua một đặc sản biển ở đây đó là loài sam biển vừa quý hiếm, sam biển Quảng Yên ngon bổ dưỡng không chỉ nổi tiếng về giống sam to mà người làm sam cũng đầy công phu khi chế biến chúng.
Từ nguyên liệu chính là thịt sam biển, con người có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn khác nhau, như: tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá nốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến…
Các món ăn từ thịt sam biển thơm ngon, nhưng để có được những món ăn độc đáo ấy, thì khâu làm thịt sam và chế biến là cả một quy trình công phu. Việc đầu tiên cần nói đến là quá trình đánh bắt sam biển. Để bắt được sam biển, ngư dân phải tính con nước và định ngày ra khơi. Sam thường đi theo đôi (một đực, một cái), nên đã tìm thấy sam là bắt được cả hai con một lúc. Nếu chỉ bắt được 01 con, thì ngư dân sẽ nhanh chóng thả ngay xuống biển, vì đó là con so. Sam rất dễ nhầm với so, mà ăn so hay bị đau bụng. Những người đi biển lâu năm dễ dàng phân biệt được hai loại này. Về kích thước, so giống sam cái nhưng nhỏ hơn. Miệng của sam bằng phẳng còn so thì hõm sâu. Dấu hiệu dễ phân biệt nhất là so có số gai nhiều hơn rất nhiều so với sam. Sam biển là loại hải sản chỉ sống trong tự nhiên, chưa nuôi trồng được, khi đánh bắt lên bờ chỉ sống được không quá ba ngày.Đây cũng là một thử thách đối với những người làm nghề đánh bắt, kinh doanh sam.
Quy trình đánh bắt sam và kinh doanh các món ăn chế biến từ sam biển vừa vất vả, vừa công phu nên không có nhiều nhà hàng làm món ăn này.Khi giết sam phải có đủ ba dụng cụ là dao nhọn, dao chặt và kéo để lấy phần chân, lọc thịt, bỏ ruột và gan (vì bộ phận này chứa nhiều tác nhân gây đau bụng). Sam là món ăn thuộc loại hàn tính, nên phải ăn cùng những gia vị nóng như: giềng, sả, ớt, lá lốt… cùng với tài nghệ khéo léo và kinh nghiệm lâu năm của người đầu bếp, chúng ta sẽ có những món ăn đặc sắc chế biến từ sam biển với những hương vị rất riêng.
Thịt sam ngon, vỏ sam cũng rất hữu dụng, có thể khắc hàn, cảm lạnh và kỵ sài cho người và vật nuôi. Ngày nay, người ta bắt sam chủ yếu để lấy vỏ. Vỏ sam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ vỏ sam, người Trung Quốc có thể dùng để chế tác ra đồ lưu niệm có độ tinh xảo, hấp dẫn khách thăm quan.
Sái Sùng Rang
Ở vùng biển Quảng Ninh có một loại hải sản đặc biệt, được gọi là sái sùng (hay sá sùng), tiếng Hán Việt gọi là sá trùng (con sâu cát), dân địa phương gọi là con mồi.Xứ sở của sái sùng là vùng bờ biển huyện đảo Vân Hải, nhất là các xã Minh Châu, Quan Lạn.
Sái sùng sống trong các bãi cát có nước triều lên xuống. Khi nước triều xuống, người dân địa phương ra đào. Người đào sái sùng đòi hỏi có kinh nghiệm, có kỹ thuật, động tác điệu nghệ như người nghệ sỹ múa trên cát. Sái sùng đào được đem xào với tỏi tươi ăn rất ngon, một món ăn dân dã đặc sắc mà người dân vùng biển Hạ Long gọi là mồi xào.
Sái sùng khô đem rang, khi chín có màu vàng, mùi rất thơm, một hương thơm nồng ngậy đậm đà của biển. Sái sùng rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau dấp cá, rau thơm và uống với bia thì thật là tuyệt.